(Ngày đăng: 07-12-2018)
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp và đã đạt một số kết quả tương đối khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bình Thuận triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (nhiệm kỳ 2015 - 2020) trong bối cảnh thuận lợi là tình hình kinh tế trong nước duy trì ổn định phát triển, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện... Chính quyền các cấp trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Bên cạnh những thuận lợi, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, đó là: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm chủ yếu của tỉnh còn hạn chế; tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu diễn biến bất thường; một số vướng mắc, khó khăn của tỉnh chưa được tháo gỡ kịp thời. Tuy vậy, dưới sự nỗ lực của toàn Đảng bộ tỉnh và chính quyền các cấp, bức tranh kinh tế Bình Thuận qua giữa nhiệm kỳ (2015 - 2020) đã có nhiều gam màu sáng!
Những con số biết nói
Một số thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế được thể hiện bằng những con số như sau: Trong 2 năm qua (2016-2017), tốc độ tăng trưởng của Bình Thuận khá hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm tăng 7,25%. Ước 3 năm 2016- 2017- 2018, GRDP tăng bình quân hàng năm là 7,33% (chỉ tiêu đề ra trong 5 năm 2016 - 2020 là 7-7,5%). GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 1.978,4 USD (tương đương 44,95 triệu đồng), ước năm 2018 đạt 2.222,2 USD, tương đương 50,49 triệu đồng (chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 là 3.100 – 3.200 USD).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đến năm 2017, trong giá trị tăng thêm, tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - thủy sản giảm còn 32,25% (năm 2015 chiếm 36,28%, chỉ tiêu đến năm 2020 chiếm 21,4-21,8%), công nghiệp - xây dựng tăng lên 29,8% (năm 2015 chiếm 29,19%, chỉ tiêu đến năm 2020 chiếm 31,4 - 31,8%); dịch vụ tăng lên 37,96% (năm 2015 chiếm 34,53%, chỉ tiêu đến năm 2020 chiếm 46,6 - 47,0%).
Huy động GRDP vào ngân sách bình quân hàng năm trong 2 năm 2016-2017 đạt 11,1% (chưa tính các khoản thu trực tiếp từ dầu khí và thuế xuất nhập khẩu). Uớc thực hiện 3 năm 2016-2018 đạt 10,5% (chỉ tiêu trong 5 năm 2016-2020 là 9,5-10%).
Sản lượng lương thực năm 2017 đạt 832,43 ngàn tấn, năm 2018 ước đạt 832 ngàn tấn (chỉ tiêu đến năm 2020 là 811 ngàn tấn). Sản lượng hải sản khai thác năm 2017 đạt 212.621 tấn, năm 2018 ước đạt 213 ngàn tấn (chỉ tiêu đến năm 2020 là 200 ngàn tấn).
Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 592 triệu USD, năm 2018 ước đạt 640 triệu USD (chỉ tiêu đến năm 2020 là 600 triệu USD); trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017 đạt 385,8 triệu USD, năm 2018 ước đạt 400 triệu USD (chỉ tiêu đến năm 2020 là 380 triệu USD).
Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, khách du lịch quốc tế và nội địa đều tăng qua từng năm. Tổng lượng khách đến tỉnh du lịch, nghỉ dưỡng năm 2017 là 5.132 ngàn lượt người, ước thực hiện năm 2018 là 5.750 ngàn lượt người, tăng bình quân 11,4%/năm so với năm 2015. Doanh thu từ hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, năm 2017 đạt 10.812 tỷ đồng, ước năm 2018 đạt 12.850 tỷ đồng, tăng bình quân 18,9%/năm so với năm 2015
Nhiệm vụ trong thời gian tới
Trong hơn 2 năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, đã đạt được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì ổn định. Sản xuất nông - lâm - thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng nâng dần chất lượng, hiệu quả. Thu ngân sách đạt khá, chi ngân sách địa phương có nhiều cố gắng; các nguồn lực cho đầu tư phát triển tiếp tục được huy động nhiều hơn... Từ những kết quả trên, là tiền đề để Bình Thuận thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, toàn Đảng bộ và chính quyền các cấp cần tập trung một số nhiệm vụ cơ bản như sau:
Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, gắn thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Về nông lâm nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Tiếp tục phát triển vững chắc các cây trồng chủ lực, lợi thế như thanh long, cao su, lúa, mủ trôm... nhân rộng mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao; sử dụng hiệu quả và linh hoạt đất trồng lúa theo quy hoạch; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cây hàng năm và đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có hiệu quả cao hơn.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan, kế hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 25/10/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về phát triển du lịch đến năm 2020.
Tập trung triển khai quyết liệt, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 23/8/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2020. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, bức xúc theo kế hoạch.
Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực thi nhiệm vụ cải cách hành chính trong thời gian qua và các chỉ số: cải cách hành chính, quản trị hành chính công và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được công bố hàng năm…
Theo baobinhthuan.com
Bài viết liên quan
Theo quy định những trường hợp này xây nhà không cần xin giấy phép xây dựng, người dân nên biết sớm kẻo thiệt thòi.