--------

Động lực chờ đón thị trường bất động sản ngay đầu năm mới

Động lực chờ đón thị trường bất động sản ngay đầu năm mới

(Ngày đăng: 02-01-2021)

Động lực chờ đón thị trường bất động sản ngay đầu năm mới


Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020, bất động sản (BĐS) Việt Nam vẫn thu hút nguồn vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tới 3 tỷ USD, song vẫn có gần 1.000 doanh nghiệp BĐS giải thể.

Từ nguồn vốn đổ vào thị trường không ngừng tăng

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hết năm 2020, cả nước có 6.694 doanh nghiệp kinh doanh BĐS được thành lập mới, giảm 15,5% so với năm 2019, tương đương với khoảng gần 19 doanh nghiệp "chào đời" mỗi ngày. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, năm 2020, tình hình hoạt động, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp BĐS cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, khiến 978 doanh nghiệp phải giải thể.

Song, điều đáng lạc quan là mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng đến cuối năm 2020, lĩnh vực BĐS vẫn thu hút tới 3 tỷ USD vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường. Trong đó, có tới 2 tỷ USD được đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh BĐS.

Theo các chuyên gia kinh tế, BĐS năm 2020 đối diện nhiều khó khăn, nhưng bước sang năm 2021 sẽ hồi phục và tăng trưởng mạnh, khi nhu cầu của người dân tăng mạnh, đặc biệt là tại 2 thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam (Công ty Kinh doanh dịch vụ BĐS quốc tế) cho biết, tình hình thị trường, dịch bệnh năm 2020 có nhiều chuyển biến tiêu cực, nguồn cung BĐS suy giảm mạnh. Tuy nhiên, xét trên bình diện khu vực, lượng cung trên thị trường vẫn lớn. Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường vẫn đang có xu hướng tăng theo quý. Đây sẽ là xu hướng không chỉ phát triển trong năm 2021, mà trong nhiều năm tiếp theo. Bên cạnh đó, năm 2021, sự dịch chuyển thị trường của các chủ đầu tư sẽ tiếp tục xuất hiện, nhất là xu hướng săn tìm quỹ đất hai chiều của các nhà đầu tư Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Còn theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, năm 2021, dự báo dòng tiền đầu tư vào BĐS vẫn tập trung nhiều ở các phân khúc truyền thống như: Đất nền, căn hộ… đồng thời, còn có sự dịch chuyển đến các vùng lân cận khu vực trung tâm như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; ngoài Bắc thì có ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hòa Bình... Hiện nay, giá đất, giá căn hộ tại các khu vực này cũng đã xác lập mức giá cao và nguồn cung khan hiếm khi lượng khách hàng tìm hiểu khá nhiều. 

Ngoài ra, xu hướng phát triển các dự án ở những thị trường vùng ven, thị trường ven biển vẫn tiếp tục phát triển. Đặc biệt, dự báo từ năm 2021-2025 ở khu phía Đông TP Hồ Chí Minh, với sự hình thành thành phố Thủ Đức đã và đang thu hút dòng tiền đầu tư lớn, với các sản phẩm trọng điểm như nhà phố, căn hộ cao cấp.

Đến hàng loạt dấu ấn BĐS

Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh. Sự kiện này đã tác động mạnh mẽ lên thị trường BĐS các khu vực lân cận, khiến giá nhà đất tăng trung bình 40-50% so với cuối năm 2019. Các dự án căn hộ chung cư cũng đang dồn về Thủ Đức khi chiếm đến 66,3% nguồn cung.

Tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... giá chung cư tăng mạnh bất chấp tác động của dịch COVID-19. Tăng mạnh nhất là thị trường căn hộ Bình Dương với nguồn cung chào bán vượt 8.000 căn, tương đương TP Hồ Chí Minh. Tỷ lệ hấp thụ tại thị trường BĐS Bình Dương cũng ghi nhận mức ấn tượng hơn 90% so với TP. Hồ Chí Minh là 82%, Hà Nội là 69%. Còn tại TP Hồ Chí Minh, năm 2020 cũng là năm tăng giá mạnh của loại hình chung cư TP Hồ Chí Minh, với giá bán trung bình tăng 5% so với năm 2019. Nếu so với năm 2018, căn hộ chung cư tại đây tăng khoảng 15-20%...

Tại diễn đàn BĐS công nghiệp - Đón sóng đầu tư mới cuối năm 2020, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, có 3 làn sóng đầu tư BĐS công nghiệp trải dài 25 năm qua và mỗi đợt sóng tiếp theo càng mạnh mẽ hơn. Làn sóng đầu tiên diễn ra năm 1996, đến năm 2008, Việt Nam một lần nữa đón làn sóng thứ hai đầu tư vào các khu công nghiệp khá mạnh mẽ và năm 2020 là giai đoạn đặc biệt nhất khi trở thành làn sóng mới liên tục lập đỉnh. Mặt bằng giá chung tại các thủ phủ công nghiệp phía Nam và phía Bắc đều tăng từ 50-100% so với năm 2019, song vẫn thiếu nguồn cung. 

Dịch bệnh COVID-19 tưởng chừng khiến thị trường M&A (Thị trường mua bán, sáp nhập) sụt giảm nghiêm trọng, nhưng thực tế, nhiều thương vụ triệu đô đã được xác lập. Trong năm 2020, nhiều tập đoàn BĐS quốc tế liên kết đã hoàn tất giao dịch mua lại hơn 200 triệu cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes, với giá trị 15.100 tỷ đồng; Tập đoàn Danh Khôi đã "vươn tay" thâu tóm 6 dự án lớn trải dài khắp cả nước hay Novaland đã giải ngân tới gần 21.300 tỷ đồng cho hoạt động M&A...

Mặt khác, trong năm 2020, hàng loạt dự án hạ tầng lớn đã tác động trực tiếp đến diễn biến thị trường BĐS tại nhiều đô thị từ Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh đến Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh... Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư hàng loạt tuyến cao tốc Cao Bằng-Lạng Sơn dài 115 km, cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc dài 67 km... các chủ trương này ngay lập tức tác động lên thị trường BĐS, làm gia tăng giá trị đất nền tại các địa phương.

Đáng chú ý nhất là cuối năm 2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 164 tháo gỡ pháp lý cho các dự án BĐS; Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 8/2/2021, với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung, "thổi làn gió mới" vào thị trường BĐS trong năm 2021.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận bảng giá